Lượt xem: 642

Nhà vườn cần căn nhắc khi hái bán măng cụt xanh

Từ một món ăn tự chế trên mạng xã hội, “măng cụt xanh trộn gỏi” bắt đầu trở thành một trào lưu cả trên không gian mạng và ngoài đời thực. Măng cụt xanh theo đó cũng đang trở thành loại nông sản khá hút hàng trên thị trường. Nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh nên tình trạng thu mua măng cụt xanh diễn ra khá sôi nổi. Mặc dù diện tích canh tác không lớn, nhưng trung bình mỗi ngày, nhà vườn tại Kế Sách cung ứng đến các vựa thu mua lớn nhỏ trên địa bàn từ 1 đến 2 tấn trái.

 


Ngành chức năng khuyến cáo nhà vườn cần căn nhắc khi hái bán măng cụt xanh


    Trong những tuần vừa qua, trên địa bàn xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách xuất hiện nhiều thương lái tìm đến tận vườn để hỏi mua măng cụt xanh với giá bán dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Nhiều nhà vườn trồng măng cụt từ rất lâu năm cho biết, tình trạng thu mua ồ ạt măng cụt khi trái vẫn còn xanh là chuyện xưa nay chưa từng xảy ra. Trung bình mỗi ngày, có những vườn hái bán cho thương lái từ vài trăm kg. Nhiều nông dân cho biết, việc hái măng cụt xanh dù không ảnh hưởng nhiều đến năng suất cho trái ở những vụ sau, nhưng vấn đề này lại là chuyện “lợi bất cập hại” nếu diễn ra lâu dài. Nông dân Tống Công Phím ở ấp Hòa An, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách cho biết: “Tôi trồng măng cụt mấy chục năm nay rồi, mà chỉ có năm nay là lái mua trái xanh thôi. Lái từ khắp nơi nói mua để bán lại cho nhà hàng. Khi hái trái xanh bán thì có cái lợi là cây sẽ khỏe để nuôi trái nhỏ, còn cái hại là nếu mình bán đi trái xanh, đến lúc muốn bán trái chín lái thấy hàng đỡ đầu không nhiều nên họ không chịu mua giá cao”. Mặc dù khá hút hàng, nhưng mỗi kg măng cụt xanh vẫn có giá bán thấp hơn vài ngàn đồng so với măng cụt chín, nên tình trạng bán măng cụt xanh diễn ra không nhiều, chủ yếu là ở những khu vực chủ vườn không có nhiều thời gian để chăm sóc hoặc quản lý vườn (vì ở xa khu vực nhà ở).

    Hiện nay, giá bán măng cụt chín dù đã giảm nhiều so với giai đoạn đầu vụ, nhưng vẫn ở mức có lời, cùng với đó, năng suất trái năm nay lại tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ điều kiện thời tiết nên nhiều vườn lại có 2 đợt hái trái với thời gian khá xa nhau, thay vì tập trung thu hoạch duy nhất 1 đợt như những vụ rồi. Cùng một vườn nhưng thời gian cho trái khác nhau khiến niềm vui “được mùa, được giá” của nông dân không còn được trọn vẹn. Nông dân Phan Văn Bảy ở ấp Hòa Phú, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách trăn trở: “Giá lúc này còn 34.000 – 35.000 đồng/kg, đầu vụ thì hơn 50.000 rồi 60.000/kg. Chỉ có năm nay là đi 2 đợt trái như vậy thôi, trước giờ chưa có tình trạng này. Nên cũng không biết đợt thứ 2 giá bán còn được như vậy không”.

    Măng cụt là loại trái cây chuyên dùng cho vùng ngọt nên diện tích phát triển không lớn. Hiện nay, toàn tỉnh Sóc Trăng chỉ có 343 ha trồng măng cụt, phần lớn diện tích tập trung chủ yếu tại xã Trinh Phú và xã Xuân Hòa của huyện Kế Sách. Theo cơ quan chuyên môn, việc sử dụng măng cụt tươi hay măng cụt chín tùy thuộc vào thị hiếu tiêu dùng, và việc bán măng cụt theo hình thức nào cũng phụ thuộc vào quyết định của chính nhà vườn. Dù vậy, do măng cụt có thời gian cho trái kéo dài từ 7 đến 8 năm nên để vùng trồng phát triển mang tính bền vững, việc thu hái trái vào thời điểm nào cần phải được cân nhắc thật kỹ để tránh ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế lâu dài. Đồng chí Nguyễn Thành Phước - Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Nhiều khi cùng một cây mà ra nhiều trái quá thì chúng ta cũng cần loại bỏ bớt để tập trung cho các trái còn lại phát triển tốt hơn. Như vậy chúng ta có thể bán măng cụt xanh từ những trái đã được loại bỏ, chứ không nên vì nhu cầu phục vụ cho ẩm thực mà hái đi tất cả các trái xanh trong vườn. Do măng cụt chỉ thích hợp ở vùng phù sa ngọt nên không thể trồng đại trà. Vì vậy, hiện nay ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng khuyến cáo nhà vườn nên giữ vững vùng trồng hiện có tại Kế Sách để tập trung phát triển thương hiệu cho trái măng cụt. Như vậy sẽ vừa đảm bảo được nhu cầu tiêu dùng trong nước vừa phục vụ được nhu cầu xuất khẩu sau này”.

    Việc thu mua nông sản nổi lên như một “hiện tượng” không phải chỉ mới xảy ra tại tỉnh Sóc Trăng. Thời điểm năm 2015, tình trạng thu mua cau non với số lượng lớn cũng đã từng diễn ra sôi nổi tại tỉnh, nhưng chỉ kéo dài trong một thời gian nhất định. Nhắc lại chuyện đã qua để thấy, nhà vườn cần cẩn trọng trong quá trình tiêu thụ nông sản để đảm bảo hoạt động sản xuất mang tính lâu dài và bền vững hơn. Quan trọng là xác định được cây trồng phù hợp để có sự đầu tư bài bản về quy trình kỹ thuật thay vì phát triển theo “trào lưu”.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 81
  • Hôm nay: 62
  • Trong tuần: 70,489
  • Tất cả: 11,802,496